Powered By Blogger

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Giáo sư Tô Ðồng qua đời, thọ 80 tuổi



Giáo sư Tô Ðồng qua đời, thọ 80 tuổi
 




Friday, August 24, 2012 3:12:35 PM 


Bookmark and Share


Nguyên Khoa Trưởng Dược Khoa Sài Gòn

WESTMINSTER (NV) -Giáo Sư Tô Ðồng, nguyên khoa trưởng Ðại Học Dược Khoa Saigon (1974-1975), qua đời tại tư gia ở California sáng sớm ngày 23 tháng 8, 2012, thọ 80 tuổi.
Di ảnh Giáo Sư Tô Ðồng. (Hình: Gia đình cung cấp)

Giáo Sư Tô Ðồng sinh ngày 7 tháng 11, 1933. Thời trẻ, ông là một sinh viên xuất sắc cả hai ngành Vật Lý và Dược Khoa tại Ðại Học Hà Nội, rồi Sài Gòn. Ông trình luận án Tiến Sĩ Sinh Hóa tại Paris năm 1962. Về nước, ông lập gia đình với Dược Sĩ Nguyễn Loan. Hai ông bà có ba người con và năm cháu nội, ngoại.
Trong thời gian giảng dạy các bộ môn Hóa Vô Cơ, Sinh Hóa... tại Ðại Học Dược Khoa Sài Gòn (1963-1975), Tiến Sĩ Tô Ðồng sát cánh cùng Dược Sĩ Bùi Ðình Nam tạo dựng nên hãng bào chế Tenamyd, sản xuất nhiều loại thuốc viên và thuốc chích theo kỹ thuật tân tiến như các hãng Âu Mỹ thời bấy giờ.
Sau khi di tản sang Hoa Kỳ tháng 5, 1975, Giáo Sư Tô Ðồng tiếp tục công việc nghiên cứu mà ông yêu thích. Ông làm việc tại Stevens Point (Wisconsin) năm 1976, rồi trung tâm nghiên cứu OMRF (Oklahoma Medical Research Foundation) trong bốn năm, từ 1976 tới 1980, và đóng góp rất nhiều vào các công trình của trung tâm này.
Từ thập niên 1980 tới lúc nghỉ hưu (1999), nhà khoa học Tô Ðồng tiếp tục đóng góp bằng công việc nghiên cứu tại đại học University of California, San Diego (UCSD) về các loại tế bào liên quan tới bệnh ung thư; rồi các công ty dược phẩm, Hybriteck, Eli Lylli, chuyên nghiên cứu về cách bào chế thuốc chống ung thư, làm từ các loại kháng thể nguyên bản.
Cũng trong thập niên 1980s, ông hết lòng hỗ trợ các dược sĩ từng được đào tạo tại Sài Gòn trước 1975 trong việc học thi lấy bằng tương đương để hành nghề tại Hoa Kỳ.
Giáo Sư Tô Ðồng chính là người đầu tiên đưa ra ý tưởng và vận động cho chương trình này, cùng Giáo Sư Lê Phục Thủy và Dược Sĩ Trần Ðức Hiếu.
Dược Sĩ Hiếu, tốt nghiệp tại Sài Gòn năm 1963, kể lại: “Sự can thiệp để lấy bằng tương đương vào lúc ấy rất khó, vì tình trạng mất liên lạc giữa Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.”
Dược Sĩ Trần Ðức Hiếu cho biết, có hai giai đoạn mà các dược sĩ được đào tạo tại Sài Gòn trước 1975 phải trải qua để có thể hành nghề tại Mỹ, đó là thuyết phục Hoa Kỳ “công nhận bằng của mình, sau đó thi lấy bằng tương đương, và cuối cùng là thi lấy bằng hành nghề tại các tiểu bang.”
Khóa đầu tiên bắt đầu vào năm 1984, với khoảng 100 dược sĩ theo học. Chương trình kéo dài 13 năm, mỗi khóa 40 đến 50 người.
“Có tổng cộng gần 500 dược sĩ được đào tạo tại Sài Gòn trước 1975 tốt nghiệp các chương trình lấy bằng tương đương này.” Dược Sĩ Hiếu cho biết.
Theo lời Dược Sĩ Huỳnh Trúc Lâm, một môn sinh của Giáo Sư Tô Ðồng trong chương trình Cao Học chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ từ hồi còn ở Sài Gòn, thì “thầy Tô Ðồng luôn tận tâm với học trò.”
Dược Sĩ Lâm, tốt nghiệp tại Hoa Kỳ năm 1978, nói rằng chính Giáo Sư Tô Ðồng là người đầu tiên có ý tưởng về chương trình thi lấy bằng tương đương tại Hoa Kỳ.
“Trở ngại đối với các dược sĩ lúc ấy rất lớn, nhất là về ngôn ngữ và tài chánh. Các khóa học này có tác động lớn trên đời sống đồng nghiệp.” Dược Sĩ Lâm nói về vị thầy của mình.
Dược Sĩ Trần Ðức Hiếu, hành nghề lâu năm tại Westminster, cũng nhận định tương tự, các chương trình thi lấy bằng tương đương đã giúp “ổn định đời sống anh em, giúp phục vụ cộng đồng, đồng thời đóng góp vào các dược phòng và bệnh viện dòng chính Hoa Kỳ.”
Khoa Dược tại đại học UCSD có một quỹ học bổng mang tên “The Dr. Dong To Endowed Scholarship Fund.” Bản tin của UCSD năm 2006 nói rằng quỹ này được thành lập nhờ sự đóng góp của giới bác sĩ, dược sĩ, đồng nghiệp, bạn hữu và gia đình của Giáo Sư Tô Ðồng, để vinh danh sự đóng góp của ông cho ngành Dược và cho cộng đồng Việt Nam tại San Diego.
Giáo Sư Tô Ðồng viết nhiều câu chuyện mang tính hồi ký về những năm tháng khó quên trong các tập san Nha-Y-Dược; và năm 2004, ông cho in cuốn “Những Dòng Kỷ Niệm,” tặng bạn hữu xa gần, được độc giả khắp nơi hâm mộ. (T.Q. & Ð.B.)





hung tram tram197@msn.com