Powered By Blogger

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Vài giòng từơng thuật tang lễ Giáo Sư Nguyễn văn Dương Minh Ngoc DK75




     Vài giòng từơng thuật tang lễ
              Giáo Sư Nguyễn văn Dương
                                                                 Minh Ngoc DK75
Ngày  7/11/2017, nhận  được tin buồn thầy Nguyễn văn Dương vừa từ trần,  tôi bàng hoàng xúc động đến nỗi không cầm được mước mắt. Tôi vội viết thơ chia buồn cùng cô Dương và báo tin cho các bạn cùng lớp biết.
Cùng một tâm sự buồn,  muôn vàn tiếc thương thầy,  các bạn tôi, trong nước cũng như hải ngoại đã gửi tới tấp lời phân ưu nhờ chuyển đến đến Cô và gia đình.
Ngày 7/14/2017, Cáo phó đã được đăng trên báo Người Việt, tang lễ sẽ được tổ chức taị Rose Hills Mortuary, phòng 388 thành phố Whittier, Callifornia với chương trình như sau:
-        Thứ sáu 7/21/2017, lễ phát tang từ 8AM-12PM, sau đó là thăm viếng đến 9PM.
-        Thứ bẩy 7/22/2017, thăm viếng lúc 8AM-10AM, sau đó là phần tụng niệm và di quan. Lễ hỏa táng vào lúc 11AM tại Rainbow Chapel.
         
            
Được biết là ngày thứ bẩy dành cho gia đình Dược Khoa  nên chúng tôi rủ nhau đến viếng thầy và chia buồn cùng cô và tang quyến.
Phái đòan của lớp DK75 gồm có anh Hùng, anh Cung, anh Luân, Minh Châu, Minh Trang, Thạnh, Thiên Tứ và Minh Ngọc. Chúng tôi hẹn nhau lúc 8AM tại nơi  tang lễ.  
Nghĩa trang Rose Hills, thuộc thành phố Whittier, rộng 1,400 mẫu trên một ngọn đồi thấp với một thảm cỏ xanh rì thật đẹp mắt, nhà quàn nằm trong  một toà nhà với kiến trúc sang trọng, tân tiến có nhiều phòng để viếng. Khi đến phòng số 388,  thấy quen quen,  tôi chợt  nhận ra đây cũng là nơi đám tang của  DS Nguyễn thi Hai, phu nhân của thầy Nguyễn văn Trang, em ruột thầy Dương vào năm 2012.
 Ngoài hành lang, trước cửa vào phòng có đặt cái bàn cao, trên đó có quyển lưu niệm để ký tên, bên cạnh là vòng hoa phúng thật to và đẹp thuộc các thầy cô và các anh chị tên tuổi của HDS
Căn phòng  làm lễ được trang trí khang trang và mỹ thuật, quan tài được đặt cuối phòng, hai bên là hai vòng hoa sen nhiều mầu sắc, trên tường treo ba bức hình Phật. Trước  là bàn cúng vong với hình thầy tươi cười, hiền hòa và bên phải là ban thờ Phật.
Cô Dương trong chiếc áo dài đen, đầu để tang. Dù đang bận rộn tiếp khách, cô nhận ra chúng tôi, ân cần trao đổi vài câu chuyện và ghi nhận những lời chia buồn. Tôi nhận ra người em ruột cô Dương là chị DS Yến Nguyệt cùng phu quân anh DS.Chiêm K.Nguyên.
 Được biết thầy Dương thuộc gia đình có 11 anh em, nhiều vị có tên tuổi trong nghành Y, Dược,  thầy là thứ bẩy nhưng là người ra đi sau cùng. Thầy có hai cậu con trai và hai cô gái. Cậu con trai nhỏ nhất và cô con gái đứng trả lễ khi chúng tôi vái trước bàn thờ vong. Trong quan tài, sắc diện của thầy  hơi tiều tụy nhưng nét mặt rất bình thản như người đi ngủ. Không sao cầm nổi, giòng lệ tuôn trào, chúng tôi đứng lặng.
Thầy ơi! Thầy ra đi với cả muôn vàn tiếc thương.
Số quan khách bắt đầu đông dần, trong gia đình Dược Khoa tôi nhận ra anh chị Trần đức Hiếu, Anh Lê Phục Thủy, anh Hoàng Ngọc Giao, anh chị Nguyễn văn Bẩy, anh chi Bùi công Minh, anh chị Đoàn mạnh Tuấn và Lưu kim Dung,  anh chị Lê Xuân Quang và Julie Kính. Trong gia đình Y Khoa  có BS.Trần văn Cảo, BS Nguyễn quang Đức ..
Anh Nguyễn văn Bẩy đến từ San Jose làm MC cho tang lễ và tôi cũng không quên nhiệm vụ cô giao làm ban tiếp tân, chào hỏi và mang giải khát cho quan khách. Khoảng 9:30AM, chương trình tang lễ bắt đầu, anh DS Bẩy  giới thiệu chương trình và lần lượt mời gia đình và đồng môn lên chia xẻ những cảm tình, tâm tư đối với người quá vãng.
Đầu tiên là cô Dương, DS Yến Tuyết nói vài lời vĩnh  biệt.
                    
Với dáng dấp hiền lành và đôn hậu, cô đã đọc những lời thương tiếc một người chồng hiền với 55 năm chung sống, tốt với mọi người, thương yêu vợ con, cũng như tận tụy với các học trò và bầy tỏ nỗi niềm nhớ nhung khi xa vắng.
Cô cám ơn ban tổ chức của  HDS đã tổ chức tiệc Xuân hàng năm, ghi ơn chị Hiếu, chị Tâm Thường thực hiện  lễ mừng Đại Thọ cho thầy và cho biết sau năm đó thì sức khoẻ thầy yếu dần.  Sau cùng cô chia sẻ một bài thơ Khóc Thầy của DS Cao Minh Nguyệt ở Nevada  có đọan như sau:  
Thầy Dương nay đã đi rồi
Tâm tư an lạc, nợ đời trả xong
Ơn thầy bể rộng mênh mông
Trăm muôn môn đệ nối dòng lệ sa

Thương thầy trí đức tài hoa
Thương thầy hôm sớm thiết tha với nghề
Học đường thầy đã trọn bề
Cứu tra dược thảo sách đề rõ thông...

Tiếp đến là điếu văn của DS Trần Đức Hiếu, cựu Hội Trưởng HDS,  đại diện cho các đồng môn của trường Dược.
                 

Với giọng đầy chân tình, đôi lúc nghẹn ngào, Anh Hiếu nói:
“Sự ra đi của GS.Dương không những là một mất mát lớn lao cho gia đình  và bạn bè thân hữu  của Giáo sư, cũng là một mất mát cho Đại gia đình Dược sĩ Việt nam tốt nghiệp từ 40 – 60 năm về trước
Phần trình bầy tiểu sử và công nghiệp của thầy xin được tóm tắt như sau:
Sanh tại Gò công vào năm 1918, học trung học tại Saì Gòn, trường Chasseloup Laubat, đại học Dược khoa tại Hà Nội, mở Dược phòng trên đường Hai Bà Trương tại Sài Gòn.
Sau khi kết hôn, GS đã  giao dược phòng bán lẻ cho phu nhân, DS Yến Tuyết trông nom và dành thì giờ điều hành Viện bào chế và giảng dậy môn Dược liệu học (Matieres Medicales) tại  Dược khoa Saigon. Tham gia vào sinh hoạt của nhiều đoàn thể chuyên môn và khoa học, ông được bầu vào chức vụ chủ tịch Dược sĩ Đoàn. GS là tác giả của cuốn Thực tập Dược khoa, Dược liệu học, Danh từ Dược học với sự cộng tác của với giáo sư Nguyễn Văn Thới và một phần của cuốn Cây cỏ Miền Nam.

Định cư tại Hoa kỳ vào năm 1975, GS tiếp tục công việc nghiên cứu, đạt được văn bằng Tiến sĩ Khoa học tại trường Đại học UCLA , hoàn thành cuốn Cây Cỏ Miền Nam và ấn hành cuốn Medicinal Plants of Vietnam, Cambodia and Laos bằng Anh ngữ, lấy lại bằng DS nhưng không  hành nghề.

Phần công đức, GS là vị  thầy nhân từ, một vị đàn anh gương mẫu, tận tụy với nghề nghiệp, thương yêu học trò không những khi còn tại chức mà khi di tản. GS đã cộng tác với GS Tô Đồng và các GS khác thành lập Hội Đồng Dược Khoa lưu vong. Cấp giấy chứng nhận cho nhiều anh chị em Dược sĩ Việt nam để bổ túc hồ sơ xin nhập học các trường Dược khoa tại Hoa kỳ, Pháp và Canada cũng như việc thi lấy lại văn bằng tương đương và trở lại nghề tại Hoa Kỳ.

Hồi tưởng lại kỷ niệm với GS trong tiệc Xuân hàng năm của HDS, trong những Kỳ Đại Hội Quốc Tế và trong buổi họp thân hữu, anh Hiểu đã bầy tỏ niềm vui mừng  được biết thầy có tâm tu đạo, ăn chay trường, sức khoẻ tốt , tinh thần minh mẫn. Năm 2014, HDS đã tổ chức mừng thượng thọ 90 tuổi cho thầy và cầu chúc cho thầy được sống lâu trên trăm tuổi.

Ngừng lại giây phút vì xúc động, anh nói tiếp:

Nhưng hôm  nay, chỉ còn vài tháng nữa thầy sẽ tròn 100 tuổi Thầy đã vĩnh viễn ra đi, để lại nhiều thuơng tiếc cho gia đình, bạn bè thân hữu, các đồng nghiệp và các cựu sinh viên của thầy. Hình ảnh điềm đạm thư thái của thầy sẽ mãi mãi lưu lại trong tâm khảm của nhiều học trò cũ, của nhiều đồng nghiệp và của các người thân trong gia đình.

Trước giờ tiễn đưa thầy tới nơi vĩnh hằng, xin thành kính phân ưu cùng phu nhân của Giáo sư và toàn thể tang quyến. Nguyện xin chư Phật tiếp dẫn Hương Linh thầy sớm về miền Tịnh độ để được an lạc nơi Phật Quốc.”

Kế tiếp là lời phát biểu DS Lê Phục Thủy, DK69 .
Đến từ San Diego, nét mặt buồn và nghiêm trang,  anh đứng hướng về phiá hương linh,  bầy tỏ vài lời vĩnh biệt thầy. 

Anh nói đại ý tuy rất it dịp được gặp thầy nhưng vẫn hết sức biết ơn thầy đã để tâm huyết dạy cho anh và các dược sĩ tại Đai Học Dược Khoa Saigon các kiến thức căn bản về dược liệu học.
                         


Những lời giải thích về thuốc ta và thuốc tây như trường hợp  cây thường sơn chữa bệnh sốt rét ngã nước của thầy đã dạy cho anh cách suy nghĩ vể Dược liệu học, một môn học đã chiếm một vị trí khiêm tốn trong trường Dược và hiện nay ở Mỹ không còn dạy môn này nữa.

Anh cũng nhắc lại các cố gắng phục hoạt việc nghiên cứu thuốc Nam  khi thành lập Trung Tâm Nghiên Cứu Nam Dược tại trường Y khoa Minh Đức năm 1972 và  rất tiếc biến cố 1975 đã không cho anh tiếp tục theo gót thầy nghiên cứu cây cỏ ở Việt nam dùng để chữa bệnh.  Các cuộc nghiên cứu về cây cỏ chữa tiểu dường và hạ áp huyết đã bị bỏ dở. Anh đã được dọc sách của thầy ở Hoa kỳ và coi đó là một công trình đồ sộ, có giá trị lớn cho các khoa học gia, rất đáng ngưỡng mộ.

Sự ra đi của thầy Dương  là một sự mất mát lớn cho ngành Dược Khoa ,  xin đại diện cho một số bạn hiện diện hôm nay kính chúc thầy ra đi thanh thản.

Kế đến là lời tâm tình của DS Julie Kính, DK65.
                   
                     

Chị Kính đã kể lại kỷ niệm thời còn đi học dưới sự hướng dẫn của thầy và những lời thầy khuyên nhủ trong thời gian đầu định cư tại Mỹ.
Hồi tưởng kỷ niệm, chị học thực tập tại nhà thuốc Nhị Trưng, đường Hai Bà Trưng sát chợ Tân Định năm 1961, sau khi tốt nghiệp học thêm về cách quản lý một nhà thuốc và khi di tản nhờ gia đình thầy cứu, giúp có một đời sống mới.
 Thầy khuyên rằng :
         “Julie cứ đi học thi lấy bằng lại đi, còn chuyện mở nhà hàng, để tính sau.
 Tuy thầy không nói nhiều nhưng thầy là một người cha gương mẫu.
 Chị chấm dứt bằng lời cầu nguyện hương linh thầy vãn sinh về miền Cực Lạc và vái vong linh trước khi xuống chỗ.
Người được mời tiếp là DS Nguyễn văn Hùng, DK75.
                       
Anh hồi tưởng lại  hai lần  gặp thầy trong ngày kỷ niệm 25 năm và 30 năm của lớp DK 75 tại California, thầy và trò có giây phút thật vui vẻ. Anh  nhắc  lại  trước linh cữu thầy một đọan thơ hay và cảm động của tình thầy trò mà thầy ưa thích nghe trong 25 năm Hội Ngộ, trong đó có đoạn như sau:          
             Thầy tôi bảo các em nên nhớ rõ
             Nước chúng ta là một nước vinh quang
             Bao anh hùng của tổ quốc giang sơn
             Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc
             Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
             Để sau này nối lại chí tiền nhân
Và  rồi trong lần Hội Ngộ 30 Nãm của DK75, được gập Thầy lần nữa:
Gập nhau mừng tủi tưởng như mơ.
Cùng ôn kỷ niệm thuở xa xưa. 
Trò đã thành danh nhăn nếp trán
  Thầy cô gì yếu tóc bạc phơ (2)

Đó là lần cuối  được gập Thầy.  Hôm Họp Mặt 40 Năm của DK75 thì Thầy không đến được vì tuổi hạc đã cao. Và vì đường xá  xa xôi, thật  nuốt tiếc không đến thăm thầy sớm.
Anh tâm sự, có mấy lần về thăm lại trường Dược, như người mới về thăm cảnh mới không còn hình bóng của trường xưa, thầy và bạn  cũ..

Tôi đi phố huyện tiêu điều qúa
Trường cũ giờ xây kiểu khác rồi.

Và những kỷ niệm của Dược Khoa Sài Gòn  với thầy Dương, thầy Tô Đồng , thầy Tiếng  và các Thầy cô  kính yêu khác, với  các bạn cũ vẫn sống mãi trong tâm tư của những Sinh Viên lớp DK75                                           
Sự chết bây giờ không phải là vĩnh viễn, rồi ở một thời điểm nào đó thầy trò lại gập lại để:

Gập nhau mừng tủi tưởng như mơ.
Cùng ôn kỷ niệm thuở xa xưa. 

và Thầy trò sẽ lại: 
 Nói cười như chuyện một đêm mưa.
Sau đó, anh thay mặt cho toàn thể anh chị em DK75  xin thành kính nghiêng mình trước linh cửu Thầy, một vị Giáo Sư DK đáng kính và đáng mến, và xin thành kính chia buồn cùng Cô, DS Yến Tuyết và tang quyến.
Anh Hùng chấm dứt với tâm tư đầy xúc động và cũng làm thính giả cảm động không kém.
Cuối cùng là lời chia sẻ của anh MC DS Nguyễn văn Bẩy.  
                             
Hồi tưởng lại kỷ niệm học Stagiaire, nhận mặt cây, mặt thuốc năm thứ nhất với thầy, Anh và thầy rất gần gũi và khắng khít. Ngoài kiến thức rộng rãi về cây cỏ, thầy có một bộ sưu tầm cây cỏ VN rất đẹp. Con người hào hoa phong nhã, yêu văn chương, yêu nhạc. Vào những giờ cuối, thầy lúc nghe kinh rồi nghe nhạc nên sự ra đi của thầy rất nhẹ nhàng.
Một kỷ niệm khó quên và thật hy hữu là hai thầy trò cùng theo đuổi bóng hồng trong cư xá nữ sinh viên Trần Quý Cáp, nơi mà các nam sinh viên khi buồn, lại ghé thăm. Một lần gặp thầy vào cư xá, trò phải né vì sợ khi thi oral môn của thầy mà không thuộc bài, thầy sẽ chỉ vào mặt, phán một câu:  "Chỉ biết yêu, chỉ biết yêu  thôi, chẵng biết gì. " thì  đời chắc vào ngõ hẹp.
Kết quả là thầy và trò đều thành công sau nhiều năm theo đuổi,  mang được người yêu ở cư xá về, xây tổ ấm, an vui.

Để kết luận , anh ví thầy như loài chim quý, chim Phượng Hoàng, tung cánh bay, chúng ta, các môn đệ thầy  như đám phù vân hướng về phía thầy ra đi để thương tiếc.
"Hạc vàng bay đã từ lâu
 Nghìn năm mây trắng vẫn còn bay bay".
Đó là tâm tình của môn đệ và cầu chúc Thầy ra đi siêu sanh tịnh độ.
Phát biểu xong anh Bẩy mời các vị sư bắt đầu tụng kinh và chuẩn bi lễ di quan và  đại diện tang quyến mời đến chùa Quán thế   Âm, đường Magnolia dùng cơm chay sau khi an vị hương linh.
Phần tụng niệm bắt đầu, các vị  sư và tang quyến tụ tập chung quanh bàn vong, chuông , mõ lời kinh cầu vang lên trong phòng tang lễ.
Một số quan khách lần lượt ra về.
Chúng tôi cùng lên bàn thờ thầy, xá và chào tạm biệt. Vẫn biết đời là vô thường, có cơ duyên gặp lại nhưng giờ phút cuối cùng chia tay vị thầy kính yêu, lòng thật buồn.

            

 Tôi còn nhớ  lời thầy phát biểu trong tiệc 30 Hội N gộ của lớp 75, thầy tỏ ý rất vui mừng khi biết các sinh viên lớp con út của Dược Khoa Saigon  phần đông đã trở lại nghề và thành công trong các ngành khác tại hải ngoại. Thầy nói:
“ Điều đó chứng tỏ 30 năm nhìn lại,  chúng ta mất vật chất, sự nghiệp  nhưng không mất niềm tin. Các bạn đừng bao giờ tiếc thương và buồn rầu về sự mất mát đó mà hãy vươn lên cho tương lai bản thân và con cháu”
Chúng em vẫn ghi nhớ lời thầy dậy.
Chiều nay, ngồi viết những giòng tường thuật, tôi ngưng phút giây, tĩnh tâm mường tượng hình ảnh Thầy, hiền lành, ung dung  tự tại, tận tâm trong nghề nghiệp, nổi danh trong những công trình nghiên cứu. Sống trọn  vẹn với đời,  thầy rũ áo ra đi về cõi vĩnh hằng, để thương nhớ cho cô và gia đình, bà con thân thuộc và các sinh viên Dược khoa khắp năm châu, bốn biển.
Nhớ thương Thầy, chúng em xin thắp nén hương khấn nguyện chư Phật, tiếp dẫn hương linh Thầy sớm tiêu diêu về miền Cực Lạc.
   Kính bút,
 Minh Ngọc, DK 75.


  Những bài thơ và điếu văn trong tang lễ
              GS Nguyễn văn Dương.
                                                                                             Minh Ngọc, DK 75
Được tin buồn Giáo sư Nguyễn văn Dương đã ra đi, các đồng môn đã làm thơ, điếu văn để bầy tỏ tâm sự buồn, mất mát một vị thầy kính yêu, ngưỡng mộ công nghiệp của thầy và cầu chúc hương linh thầy sớm tiêu diêu về miền Cực Lạc.
Những bài thơ và bài điếu văn dưới đây là những kỷ niệm quý giá và xin chia xẻ với các đồng môn và tang quyến.
    &   &
                               &


Kính viếng Thy Dương
                                   Hạ Long Lưu Văn Vịnh
Thày Dương là vầng thái dương
Là cây cổ thụ ngôi trường Dược Khoa
Nhân từ nhân hậu hiền hòa
Thày về cõi Phật ngự tòa hoa sen.


                      Khóc Thy Yêu Qúy Nguyn Văn Dương
              Cao Minh Nguyệt
Thầy Dương nay đã đi rồi
Tâm tư an lạc, nợ đời trả xong
Ơn thầy bể rộng mênh mông

Trăm muôn môn đệ nối dòng lệ sa
Thương thầy trí đức tài hoa
Thương thầy hôm sớm thiết tha với nghề
Học đường thầy đã trọn bề
Cứu tra dược thảo sách đề rõ thông (1)

Làm chồng một mực cảm thông
Nghĩa tình phụ tử xử xong mọi đàng
Phận dân một dạ can tràng
Đạo người trung nghĩa vững vàng tháng năm
Thầy Dương ơi, thầy yêu kính ơi
Thôi thế từ đây vĩnh biệt rồi
Người đi thanh thoát hồn tiên cảnh
Kẻ ở muôn hàng lệ thắm rơi

Thay mặt cho tất cả các học trò của thầy, xin thành kính  tiễn đưa thầy về nơi cực lạc.

NHÀ QUÀN ROSE HILLS
 DS Mai Châu Mã Gia Minh
Mượn tạm nơi này, ba bữa thôi
Ngày mai kẽ khác đến phiên rồi
Gió thổi lung linh hai hàng nến
Hoa tang đưa tiễn một kiếp người

Tôi mượn con đường, một khúc quanh
Đưa tôi đến đám lửa nung thành
Tro bụi, tôi trở về tro bụi
Trăm năm... một kiếp mất thật nhanh

Sắc đó, không đây.. sắc, sắc không
Cái có mà không.. có cái không
Nghĩ lại trăm năm công viên mãn
Thanh thản ra đi nhẹ tấm lòng

Thôi nhé, tôi xin vĩnh biệt đây
Vợ thương, con cháu đứng sum vầy
Niết Bàn từng bước tôi về tới
Nói sao hết được...phút giây nầy...  

Viết cho Giáo Sư Dược Sĩ Nguyễn Văn Dương, Thầy của những DSQG tốt nghiệp trước năm 1975. Thầy về cõi Niết Bàn ngày 10 Tháng 7, đại thọ 100 tuổi.
Kính bái.
Đôi li tiếc thương v thy kh kính
Giáo sư Dược sĩ Nguyn Văn Dương
                DS Trần Nghĩa Đời, khóa 1969  Dược khoa Sai gon
Kính thưa thân bằng quyến thuộc
Kính thưa Cô Phan Yến Tuyết, phu nhân Giáo sư Nguyễn Văn Dương
Kính thưa toàn thể tang quyến
Cách nay vài hôm, vào chiều tối, bạn đồng môn dược khoa 69 Saigon khi xưa, gọi báo tin cho em, thầy Dương không còn nữa, thầy đã vĩnh viễn ra đi…..Đây thật sự là môt tin buồn cho nhiều người mà trong đó Cô và gia đình là những người trực tiếp, gần gũi Thầy, nên trước sự mất mát lớn lao không có gì bồi hoàn được, sự tiếc thương và xúc động vô cùng lớn phải cần thời gian để vượt qua!
Trường Dược khoa Saigon vĩnh viễn mất đi một vị Giáo sư khả kính. Các sinh viên Dược khoa Saigon ngày trước mất đi một vị thầy kính mến, đạo đức, tận tụy với học trò, nghề nghiệp. Đó là những đức tính mà it khi tìm được ở các vị giáo sư khác.
Ngoài cương vị là giáo sư đại học, thầy Dương còn là nhà nghiên cứu, một Dược sĩ với hướng đi rõ rệt trong lãnh vực khoa học kỹ thuật qua các công trình của thầy như tác phẩm “ Cây thuốc Việt-Miên-Lào” bằng anh ngữ hay các bài khảo sát dược thảo ở hải ngoại, là những tài liệu mà các dược sĩ phải tìm đọc để trao dồi nghề nghiệp!
Một công trình khác của thầy cần nói ra đây là về lãnh vực văn chương, văn xuôi hay thơ, Thầy cũng đóng góp rất nhiều. Xin đơn cử bài “ Trở về cố hương” mà thầy viết trước đây bằng anh ngữ “Returning to Homeland”, tuy ngắn nhưng rất xúc tích và nhiều cảm xúc cho người đọc. xin sơ lược vài hàng về bài này như sau: sau 25 năm xa quê từ 1975, trở về thăm Gò Công là quê của Thầy, khi xe tới “ Cầu Đúc” lòng thầy nao nao, chờ đợi,khi xe quẹo sang phải, vào xóm chợ mới, Thầy kể và nhớ hết các chú láng giềng, rồi chờ đến cổng nhà Thầy, với hai cột bằng gỗ câm se sơn đỏ, nhưng nay thành đống gỗ đã xiêu đổ, vào trong nhà còn đó, nhưng vách đổ, tường loang, người xưa vắng bóng, phía sau nhà chỉ còn cây me cổ thụ ngăn chia ranh vườn với nhà hàng xóm, chim chóc tụ tập làm tổ. Chiến tranh có thể thay đổi dòng lịch sử, nhưng không sao đổi thay được bản chất của con người sống ở đây, sau cùng khi xe chở Thầy rồ máy, Thầy vẩy tay chào lần cuối căn nhà quê hương của Thầy, mang bao kỷ niệm ấp yêu, trở về Hoa Kỳ, chia xẻ cùng bao thế hệ sau, cố gắng tạo dựng cuộc đời mới nơi quê hương mới với nhiều cơ hội phát triển!
Hôm nay, nắng California vẫn ấm áp, nhưng mây hồng kém tươi vì bầu trời hơi u tối, có lẽ trời cũng buồn để chia xẻ sự mất mát của mọi người vì sự ra đi vĩnh viễn của một vị “Thầy khả kính”. Các em sinh viên Dược khoa tốt nghiệp khóa 1969,dược khoa Saigon, có mặt hôm nay, cũng như các anh chị vắng mặt ở xa trên Hoa kỳ và các nơi khác, ngay trong Việt nam, kính xin thắp một nén hương tưởng nhớ đến Thầy, đến công lao của Thầy đã dậy giỗ tụi em dưới mái trường dược, cùng nói lên lời “Đồng Thành Kính Phân Ưu” với cô và gia đình.
Nhân dịp này, tụi em cũng kính lời cám ơn Thầy đã đóng góp cho báo Xuân của Hội Ái hữu Gò Công trưóc đây từ ban chấp hành của Hội.
Nguyện cầu Hương Linh Thầy sớm được siêu độ về nơi Phật Quốc.
Lời chia buồn tiễn biệt Giáo sư Nguyễn Văn Dương
Dựợc sĩ Bùi Khiết, Khoá 65 , Đại học Dược khoa Sai gon
Kính thưa:
  -    Phu nhân Giáo sư Nguyễn Văn Dương
-        Qúy vị trong tang quyến
-        Qúy vị Dược sĩ đồng nghiệp
-        Qúy cụ, Qúy bà, Qúy ông
-        Qúy vị thân hữu

Chúng tôi bất chợt nhận được tin qúa buồn, Giáo sư Nguyễn Văn Dương kính yêu đã từ trần. Bạn bè thân hữu của Giáo sư trong y giới, các Dược sĩ nguyên là cựu sinh viên của Người tại Đại học Y-Dược Saigon, tất cả đều bàng hoàng sót sa thương tiếc. Vẫn biết rằng mệnh trời “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” là qui luật bình thường, nhưng sự vĩnh viễn ra đi của Giáo sư đã tạo một chấn động đau đớn cho bao người ở lại.
Kính thưa hương hồn Giáo Sư Nguyễn Văn Dương.
Trong dòng sinh mệnh của dân tộc, , Giáo sư là người đã nối nghiệp ngành Y- Dược của tổ tiên, đã cố công học tập, nghiên cứu và đã thành đạt. Rồi tiếp nối, Giáo sư đã mang kiến thức sâu rộng để truyền lại cho các thế hệ hậu sinh. Sự nghiệp của Giáo sư đã đóng góp cho Tổ Quốc và dân tộc những viên gạch vững trãi, qúy gía làm nền tảng cho sự hưng thịnh của dân Việt. Trong gia đình, Giáo sư là người chồng, người cha, cây cao bóng cả, gìn gĩư kỷ cương, đạo đức, trên thuận dưới hòa, thật là một gương mẫu mực của kẻ sĩ.
Sinh thời, Giáo sư và chúng tôi đã không may mắn, ở vào thời điểm đất nước tao loạn, nhà tan, cửa nát, dân tộc điêu linh. May mắn thay, những tác phong cương nghị và kiến thức chuyên môn của Giáo sư đã trực tiếp chu toàn cho chúng tôi thành những người có lý tưởng, có khả năng, biết khiêm tốn, ham học hỏi, biết phục vụ, thương dân, biết sẵn sang khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Tại nơi đất khách quê người, hình ảnh Giáo sư như một con người kiểu mẫu, định hướng cho lớp đàn em, khiêm tốn, chuyên cần, phấn đấu vượt lên chính mình. Hình ảnh đó luôn luôn đậm nét trong trí tưởng của các cựu sinh viên trường Dược.
Kính thưa phu nhân Giáo sư và qúy khách.
Nghĩ và nói về Giáo sư Nguyễn Văn Dương luôn luôn bất tận, càng nghĩ, càng nói, lại càng sao xuyến trong lòng. Nhưng Sinh, Lão, Bệnh, Tử đã là một quy luật cho mọi người trên trần thế, có sinh thì có tử, vậy mà sự ra đi của Giáo sư vẫn chứa chan thương tiếc trong mỗi ngưới.
Kính thưa phu nhân Giáo sư và tang quyến.
Đã đến lúc mọi người chúng ta sẽ tiễn đưa Giáo sư về nơi an nghỉ cuối cùng, không gian sẽ khép lại, mọi sự ngưng đọng, một cuộc đời và một kiếp người trôi vào dĩ vãng. Trong giây phút thiêng liêng này chúng tôi xin vĩnh biệt Giáo sư, cấu xin Giáo sư an lành nơi Cực lạc. Ở nơi xa xăm đó, xin Giáo sư phù hộ cho toàn gia và qúy thân hữu, đồng nghiêp.
Kính cẩn vĩnh biệt
Điếu văn tiễn biệt Giáo sư Nguyễn Văn Dương
                 DS Trần Đức Hiếu, Khoá 63  Dược khoa Sài Gòn
Kính thưa toàn thể qúy vị quan khách và các bạn bè thân hữu.
Trước hết tôi xin phép được cám ơn dược sĩ  Phan Yến Tuyết, phu nhân của Giáo sư Nguyễn văn Dương đã cho tôi được vinh dự thay mặt các cựu Sinh viên Đại học Dược khoa Saigon đọc điếu văn tiễn đưa người thầy cũ của chúng tôi.
Trong những tuần vừa qua chúng tôi rất súc động khi được tin sức khoẻ của Giáo sư Nguyễn Văn Dương không được tốt đẹp, chúng tôi đã loan báo cho các bạn bè xa gần gửi lời thăm hỏi và cầu chúc cho giáo sư được mọi sự bình yên.
Nhưng hôm nay Giáo sư đã vĩnh viễn ra đi, chia tay với gia đình và thân bằng quyến thuộc. Đây là một mất mát lớn lao cho gia đình  và bạn bè thân hữu của Giáo sư, cũng là một mất mát cho Đại gia đình Dược sĩ Việt nam tốt nghiệp từ 40 – 60 năm về trước.
Chúng ta hiện diện nơi đây để tiễn đưa và tưởng niệm  một vị Giáo sư khả kính, một người thầy nhân từ, một vị đàn anh gương mẫu, tận tụy với nghề nghiệp, thương yêu học trò. Ông đã để hết tâm huyết vào việc giảng dậy cho nhiều lớp sinh viên dược khoa và công việc phát triển ngành dược tại Việt nam. Ông  đã nhận được sự qúy mến của các sinh viên và của mọi đồng nghiệp trong ngành Dược khoa tại Việt nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Dương sanh tại Gò công vào năm 1918, mồ côi cha lúc 7-8 tuổi, học tiểu học tại Gò Công, lên Saigon theo học trung học tại trường Chasseloup Laubat cho tới hết chương trình, thi đậu hai bằng tú tài Baccalaureat 1 và 2. Sau khi tốt nghiệp trung học ông ra Hanoi theo học ngành dược  và sống cùng với người anh thứ ba đang theo học Y khoa tại đây. Sau khi tốt nghiệp Dược khoa ông trở về Saigon mở dược phòng trên đường Hai Bà Trương, ít năm sau ông bắt đầu nhận sinh viên thực tập tại dược phòng ( Stage de Pharmacy). Chị Yến Tuyết cũng là 1 trong những sinh viên thực tập tại đây và đã trở thành phu nhân của giáo sư. Sau khi làm đám  cưới, Giáo sư Dương  giao dược phòng bán lẻ cho chị Tuyết trông nom và dành thì giờ điều hành viện bào chế do ông thành lập. Đồng thời  ông đã đảm nhận việc giảng dậy môn Dược liệu học (Matieres  Medicales) tại trường Dược khoa Saigon, tham gia vào sinh hoạt của nhiều đoàn thể chuyên môn và khoa học, ông được bầu vào chức vụ chủ tịch Dược sĩ Đoàn, cơ cấu  hiến định có trách vụ quy định việc hành nghề dược khoa, ông đã sọan thảo và ấn hành cuốn Thực tập Dược khoa (Cahier de Stage) làm tài liệu học tập cho các sinh viên mới chập chững bước chân vào ngành Dược, ông cộng tác với giáo sư Nguyễn Văn Thới và nhiều cộng sự viên soạn thảo cuốn Danh từ Dược học, song song với những công việc kể trên ông đã dành nhiều thì giờ  và tâm chí soạn thảo cuốn Cây cỏ Miền Nam, nhưng cuốn sách này chưa được hoàn tất trước tháng tư năm 1975.
Vì thời cuộc ông đã đi di tản và định cư tại Hoa kỳ, tại đây ông đã học lại lấy  bằng hành nghề Dược sĩ tại Hoa Kỳ, nhưng ông không hành nghề dược khoa, ông tiếp tục công việc nghiên cứu, đạt được văn bằng Tiến sĩ Khoa học (PhD in Science) tại trường Đại học UCLA , hoàn thành cuốn Cây cỏ Miên Nam, và ấn hành cuốn Medicinal Plants of Vietnam, Cambodia and  Laos bằng Anh ngữ, cuốn sách này đã được thực hiện để đáp ứng lời  kêu gọi của Cơ quan Y Tế Quốc tế, nhằm mục đích bảo tồn và khuyến khích việc sử dụng dược thảo trong chương trình bảo vệ sức khỏe  và chữa trị bệnh tật tại các nước trong vùng Đông Nam Á châu.
Trong thời gian này, ông đã cùng với các giáo sư Đặng Vũ Biền, Tô Đồng, Trương Mạnh Khải, Nguyễn Hiệp thành lập Hội Đồng Khoa lưu vong cấp giấy chứng nhân cho nhiều anh chị em Dược sĩ Việt nam để bổ túc hồ sơ xin nhập học các trường Dược khoa tại Hoa kỳ, Pháp và Canada.
Vào đầu thập niên 1980, ông cùng với giáo sư Tô Đồng chủ tọa buổi họp đầu tiên tại trường Đại học Harbor City Community College, thành lập Hội Dược sĩ Việt Nam tại Hoa kỳ để giúp đỡ tinh thần và hướng dẫn các dược sĩ Việt nam mới đến nhâp cư tại Hoa kỳ. Ông đã tiếp tay với giáo sư Tô Đồng soạn thảo lại bản học trình (curriculum) của trường Đại học Dược khoa Saigon, can thiệp với Hội đồng Dược khoa Hoa kỳ và tại Tiểu bang California để các dược sĩ Việt nam được chấp thuận thi lấy bằng tương đương tốt nghiệp dược khoa tại  Hoa kỳ (Foreign Pharmacy Graduate Equivalency Examination) và thi lấy bằng hành nghế (Registered Pharmacist) tại nhiều tiểu bang và tại California.
Giáo sư Nguyễn Văn Dương, con dân của sứ sở Gò Công, nơi Địa Linh Nhân Kiết, cùng với Giáo sư Nguyễn Văn Trang người em ruột và Dược sĩ Nguyễn Thị Hai người em dâu, đã làm rạng danh ngành Dược khoa tại miền nam Việt nam truớc ngày ly tán.
Giáo sư Nguyễn Văn Dương đã được coi như người anh cả của Đại Gia đình Dược khoa Việt nam, Chúng tôi thường xuyên được gặp mặt giáo sư trong những buổi họp mặt của Hội Dược sĩ mỗi độ Xuân về, hay trong những kỳ Đại hội Quốc tế Dược khoa và trong nhiều buổi họp mặt thân hữu, rất đông anh chị em Dược sĩ đã đến vấn an người thầy cũ, chúng tôi rất vui mừng  được biết thầy có tâm tu đạo, ăn chay trường, giữ gìn sức khoẻ rất tốt đẹp, tinh thần còn nhiều minh mẫn, chúng tôi đã tổ chức mừng thượng thọ 90 tuổi cho thầy và cầu chúc cho thầy được sống lâu trên trăm tuổi.
Nhưng hôm  nay, chỉ còn vài tháng nữa thầy sẽ tròn 100 tuổi, thầy đã vĩnh viễn ra đi, để lại nhiều thuơng tiếc cho gia đình, bạn bè thân hữu, các đồng nghiệp và các cựu sinh viên của thầy. Hình ảnh điềm đạm thư thái của thầy sẽ mãi mãi lưu lại trong tâm khảm của nhiều học trò cũ, của nhiều đồng nghiệp và của các người thân trong gia đình.
Trước giờ tiễn đưa thầy tới nơi vĩnh hằng, xin thành kính phân ưu cùng phu nhân của Giáo sư và toàn thể tang quyến. Nguyện xin chư Phật tiếp dẫn Hương Linh thầy sớm về miền Tịnh độ để được an lạc nơi Phật Quốc.
Cúi xin bái tạ và kính biệt Thầy.
Muốn nói mà chẳng nên lời
                                                     DS. Nguyễn Văn Bẩy, Khoá 65 Dược Khoa Sài Gòn
Kính thưa Quý vị và các bạn Đồng môn
Mọi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm với Thầy.Riêng tôi ,Thầy là hình ảnh tươi mát của khung trời đại học ,Thầy dạy cho tôi biết yêu người ,yêu cây cỏ , biết gìn giữ  sắc hương của một đoá hoa  ép vào sách vở học trò.
Chắc các bạn còn nhớ muốn vào trường Dược phải có một dược sư đỡ đầu ,vì thế người thầy đầu tiên phải được xem như một Ân sư .
Tôi là một trong nhiều môn đệ  Stagiare được gần gũi với Thầy trong những ngày bở ngỡ  khi bước vào Đại học.Làm sao quên được những ngày chủ nhật được  học Reconnaisance với bộ Collection hoa lá khô  tại biệt thự của Thầy.Trong cái không gian yên tỉnh thinh thoảng rơi rớt vài tiếng dương cầm.Dáng Thầy  dao nhạc ,phong nhả hào hoa khác hẳn hình ảnh một nhà mô phạm lạnh lùng trong sân trường Đại học.
Vào mùa thi vấn đáp mới thấy uy  quyền của giám khảo, nhưng  với Thầy  lúc nào cũng nhân hậu với anh em.Thời chúng tôi Dươc khoa vẫn dạy bằng Pháp ngử  nên dễ gây bối rối cho thí sinh.Tôi còn nhớ  trong buồi thi vấn đáp  Matières Medicales  Thầy hỏi bạn  tôi  " Làm cách nào bảo qoản cho cây thuốc còn giử mãi dược tính"? 
Anh ban tôi trả lời bẳng Pháp văn trôi chảy và chấm dứt  tưởng như trong chiến thắng vinh quang:
-On lave,On sèche et  "Ông phơi"
Giáo sư Delaveau từ Paris sang chấm thi ,ngồi bên cạnh nhìn sang-không hiểu.Thầy vội vàng hỏi bạn tôi như đưa một tấm phao cứu mạng:
-Vous voulez dire. "On sèche et on feuillette n'est ce pas? "
-Oui,oui Monsieur "On sèche et on feuillette". 
Tiếng Tây làm gì có verbe  "phơi",còn   "On" ở đây ,ý anh muốn nói "Ông " phơi
Nếu giáo sư Delaveau chấm bài của anh chắc anh chẵng qua cầu,còn nếu găp một người Việt khác thầy Dương , phận làm thí sinh dám xưng "Ông" với giám khảo thì nhịp cầu cũng gẩy .Nhưng Thầy đã cho anh qua  trong vinh quang.
Giờ đây anh dược sĩ  "0n seche  et on "phơi" đã vào tuổi đời trên tám mươi đang phơi mình trong mưa bảo quê hương.Chắc anh buồn lắm khi nghe Thầy đã đi vào cỏi ...trăm năm
Với tâm hồn ung dung Thầy đã sống như một thiền  sư và ra đi  với một tâm hồn tự tại vào cuối trời thênh thang.
Tôi đến với Thầy như một đứa bé bước vào đời.Thầy đã dạy cho tôi thành một duợc sĩ chuyên nghiệp ,mà còn dạy tôi  biết yêu thương.Các bạn còn nhớ không ? Trường  Dược  chúng ta cùng với Y và Nha  toạ lạc tai đường Testard dưới lá me bay cây dài bóng mát ,xa xa bên kia đường là cư xá nữ sinh viên Trần Quý Cáp ,nơi mà một sinh viên Dược đã viết trong Cahier de Stage khi vừa biềt yêu:

"Vào những lúc anh buồn
Anh thường đến nơi này
Nhìn mây và khỏi thuốc"
Nhìn lá ôm nhau bay"

Nhiều khi tôi cũng đến nơi này nhìn "lá ôm nhau bay "để mơ đến một nụ hồng bé bỏng trong khung trời mơ mộng.Thế rồi một lần tôi gặp Thầy đạo mạo ngồi trên xe Taunus từ cư xá đi ra. Lúc đó tôi muốn biến vào tường khu nhà bên cạnh vì nghĩ rằng biết thầy cũng đang yêu như mình là một trọng tội,chưa kể khi thi với Thầy mà không thuộc bài Thầy sẽ chỉ vào mặt phán một câu  "Chỉ biết yêu thôi chẵng biết gì  "  thì  đời chắc vào ngõ hẹp.Thế nhưng mỗi lần gặp lại ,Thầy vẫn nhìn tôi với đôi  mắt bao dung như thầm bảo :
     -"Đường vào tình yêu có  trăm lần vui có vạn lần buồn ,trong hạnh phúc cũng như lúc khổ đau mình bình đẳng ngang nhau".

Thời gian lặng lẽ trôi ,Tôi lặng lẻ đi bên cạnh cuộc đời của Thầy .Bước chân dẫm mòn con đường mòn vào cư xá với những viên đá cuội còn nhớ bóng xe lăng.
Bốn năm sau có người lên xe cưới về quê chồng. Và bây giờ là  "Cô" tôi ,
Thế rồi tám năm sau có người bỏ cuộc chơi ,theo tôi khắp cuối bể chân trời, đầu ghềnh cuối bải
Hôm nay cùng với các bạn ,chúng tôi về đây để tiễn đưa Thầy một lần cuối.Biệt ly không có nghỉa là chia xa một lần cuối,càng không phải là vĩnh biệt nghìn trùng
Có những bóng hình thân thuộc đã bước qua hồn ta, in dấu chân ở đó  và đã ra đi nhưng  vết chân chim vẫn còn in trên cát qua bao lớp sóng của thời gian.
Như cánh vạc bay ,Thầy khuất bóng nơi chân trời xa,  để lại sự luyến lưu thương tiếc cho môn sinh ,đám phù vân còn lang thang trên trần thế.     
 "Hạc vàng bay đã từ lâu
Nghìn năm mây trắng vẫn còn bay bay"
&         &
    &
Những vần thơ khóc Thầy và các bài điếu văn được cô Dương và chị DS. Lưu Ái cung cấp, Minh Ngọc đúc kết trên đây.

Mong mỏi những trang này sẽ sưởi ấm cô, gia đình và các đồng môn khi nhớ đến Thầy.



Tang Lễ Giáo Sư Dược Sĩ Nguyễn Văn Dương (v 1.1)


  https://youtu.be/B6N3C3L6nX4



   
Thư mời tham dự Lễ Thất của GS Nguyễn Văn Dương

Thân gửi qúy anh chị,
Tôi là Yến Tuyết xin trân trọng mời qúy anh chị dành chút thời giờ đến dự Lễ Thất 49 ngày cho nhà tôi, GS Nguyễn Văn Dương, Từ 11:30 giờ trưa
                                                        Ngày Thứ bẩy : 2 tháng 9 năm 2017,
                                                              tại chùa Quán Thế Âm,
                                   địa chỉ : 12292 Magnolia Street, Garden Grove CA 92841
                                                         Tel : 714-534-7263
Sau lễ thất xin mời qúy anh chị ở lại dùng bữa cơm chay tại chùa với gia đình chúng tôi,để chúng tôi có dịp cám ơn những ân tình và sự giúp đỡ của qúy anh chị đã dành cho chúng tôi trong tang lễ.
                                                         Chương trình Lễ Thất:
                                                11:30 -12:30 Tụng kinh Lễ Phật
                                                12:30 - 13:00 Lễ vong
                                                13:00 - 14:30 Cơm chay
Để  cho việc tiếp đón được chu đáo xin qúy anh chị vui lòng trả lời cho biết qúy danh và số người tham dự qua một trong các số phone hay email duới đây:
                              - Phan Yến Tuyết : Tel:310-828-6649 -  email: yentuyet3625@yahoo.com
                              - Nguyễn Minh Ngọc Tel: 714-396-6338 -  email: pearlnguyen1@verizon.com
                              - Vương Vĩnh Cẩn Tel: 714-823-1411 - email: canvuong40@gmail.com
                              - Vũ Bội Tú : Tel 714-612-0965 - email: elizabethtupham@gmail.com
                              - Bùi Công Minh Tel 714-589-4525 - email: minhrungbui@yahoo.com
                              - Trần Lưu Ái Tel: 714-251-0568 -  email:hieuvaai@hotmail.com
Chân thành cám ơn qúy anh chị.
Phan Yến Tuyết
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét